Thứ Ba, 11 tháng 4, 2023

Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012

“Đường lưỡi bò” không có thật




Nhiều học giả Trung Quốc lên tiếng:
“Đường lưỡi bò” không có thật
TT - Trong khi giới tướng lĩnh “diều hâu” cứ leo thang gây hấn, đòi thực hiện chủ quyền trên biển Đông dựa trên cái gọi là “đường chín đoạn”(“đường lưỡi bò”) thì nhiều học giả TQ vạch rõ con đường tự vẽ trên giấy này vô căn cứ.
Một tàu cá Việt Nam bị tàu tuần tra Trung Quốc (trái) áp sát ở quần đảo Hoàng Sa - Ảnh: THX

Điều này có thể thấy rõ tại hội thảo “Chủ quyền quốc gia và quy tắc quốc tế” do Viện Nghiên cứu kinh tế và báo mạng Tân Lãng (sina.com.cn), Trung Quốc tổ chức vào tháng 6-2012. Tại hội thảo này, một số học giả nổi tiếng của Trung Quốc đã gióng lên những tiếng nói tỉnh táo, biết tôn trọng lẽ phải và sự thật.
Giáo sư Thịnh Hồng thuộc ĐH Sơn Đông thừa nhận một thực tế: quan điểm về chủ quyền lãnh thổ của người Trung Quốc là có “lệch lạc”. “Chúng ta không nên chỉ nghĩ lợi ích cho mình mà cần phải quan tâm đến lợi ích của toàn thể thế giới bằng cách tuân thủ các quy tắc quốc tế” - giáo sư Thịnh Hồng nhấn mạnh.
Không có chứng cớ
Giáo sư Lý Lệnh Hoa thuộc Trung tâm Tin tức hải dương Trung Quốc cho biết rất nhiều học giả Trung Quốc từng khẳng định “đường chín đoạn” là bản đồ không có thật bởi theo ông, “đường chín đoạn” này do Trung Quốc tự vẽ ra, không hề có kinh độ, vĩ độ cụ thể, cũng không có chứng cứ pháp lý.
Giáo sư Lý nhấn mạnh trong tranh chấp trên biển Đông, Trung Quốc luôn thiếu chứng cứ. Dẫn chứng: Bắc Kinh luôn tuyên bố Trung Quốc “có chủ quyền không thể tranh cãi” đối với bãi cạn Scarborough nhưng lại không đưa ra được bất kỳ bằng chứng cụ thể nào.
“Năm 1947, Trung Quốc đưa bãi cạn Scarborough vào đường chín đoạn, song không đưa ra được con số cụ thể về diện tích bãi cạn này. Trong khi đó, nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Kiểu lập luận này của Trung Quốc là khập khiễng và áp đặt, không thấu tình đạt lý và Philippines lên tiếng về chủ quyền là chuyện đương nhiên” - giáo sư Lý nói.
Do vậy, theo ông, “đường chín đoạn” chỉ do Trung Quốc đơn phương đưa ra mà không được quốc gia nào thừa nhận. “Khi vẽ đường ranh giới trên biển, chúng ta cần căn cứ theo quy tắc quốc tế, không thể nói căn cứ vào lịch sử, tình trạng giàu nghèo, nhân khẩu của đất nước. Đó không phải là chứng cứ” - giáo sư Lý phân tích.
Trong khi đó, sách giáo khoa Trung Quốc luôn khẳng định đây là vùng biển của Trung Quốc, vô hình trung cung cấp thông tin sai lệch cho người dân. Trong khi đó, một số tờ báo lớn như Thời Báo Hoàn Cầu lại luôn đưa tin về biển Đông một cách thiên lệch, kích động, khuynh loát dư luận, cứ động một chút là đòi “động binh đánh người”.
Ông kiến nghị cần phải giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS), tuyệt đối không sử dụng vũ lực. Trung Quốc cần căn cứ vào UNCLOS để vẽ lại bản đồ biển đảo. “Trung Quốc không thể sử dụng “đường chín đoạn” như hiện nay để tuyên bố chủ quyền” - giáo sư Lý nhấn mạnh. Các nước ven biển Đông cần vạch rõ khu vực đặc quyền kinh tế trước rồi mới tính đến chuyện khai thác chung.
Là người chứ không phải là thú
Cũng đề cập “đường chín đoạn”, giáo sư Thời Đoạn Hoằng  thuộc ĐH Nhân dân Trung Quốc cho rằng Trung Quốc đang đánh lận con đen về đường này. “Toàn bộ biển Đông thuộc về Trung Quốc ư? Gần đây báo chí chúng ta cũng lập lờ về vấn đề này. Nếu nói toàn bộ biển Đông là của Trung Quốc thì cả thế giới sẽ không chấp nhận đâu” - ông nhấn mạnh.
Từ góc độ một triết lý nhân sinh rất phải đạo, giáo sư Hà Quang Hộ, Viện triết học thuộc ĐH Nhân dân Trung Quốc, nhập đề: “Là người phải có nhân tính. Chúng ta đều là con người chứ không phải loài dã thú sống trong rừng sâu. Trong quan hệ giữa người với người, chúng ta phải tính đến lợi ích của người khác”. Đề cập vấn đề biển Đông, ông vạch rõ: “Nhìn vào bản đồ “đường chín đoạn” do chúng ta vẽ, người dân các nước sẽ phản ứng. Bởi nếu theo cái gọi là “đường chín đoạn” thì đường giới tuyến trên biển của Trung Quốc sẽ liếm tới đường bờ biển của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Tôi không tin các quốc gia khu vực sẽ chấp nhận bản đồ này. Nếu biển Đông bị vẽ thành một đường biển quốc nội như thế thì các nước có tuyến vận tải đi ngang biển Đông cũng không thể chấp nhận”.
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên các học giả Trung Quốc lên tiếng nói cảnh tỉnh của mình đối với chính quyền và dư luận Trung Quốc. Vào tháng 6-2011, họ cũng đã nêu lên các ý kiến tương tự. Lần đó, giáo sư Lưu Giang Vĩnh thuộc ĐH Thanh Hoa đã nêu rõ Trung Quốc cần tuân thủ nguyên tắc “cùng hợp tác và phát triển”. Học giả Ngô Sĩ Tồn nhấn mạnh Trung Quốc phải giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. Nhà nghiên cứu Tiết Lực thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc đã cảnh báo nếu sử dụng vũ lực trên biển Đông, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với sức ép to lớn từ cộng đồng quốc tế và như vậy, Trung Quốc đang tự tay hủy hoại môi trường thuận lợi và những cơ hội chiến lược để phát triển đất nước.
MỸ LOAN - SƠN HÀ
Bác thông tin tàu Trung Quốc đuổi tàu Việt Nam
Trước thông tin từ một vài phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc nói rằng bốn tàu hải giám của Trung Quốc hoạt động tuần tra tại khu vực quần đảo Trường Sa và chặn đuổi tàu của cảnh sát biển Việt Nam, ngày 4-7 TTXVN khẳng định:
- Chúng tôi bác bỏ thông tin tàu hải giám Trung Quốc “chặn đuổi” tàu của cảnh sát biển Việt Nam tại khu vực quần đảo Trường Sa. Khi phát hiện các tàu hải giám của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, yêu cầu tàu Trung Quốc rời khỏi khu vực quần đảo Trường Sa.
Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Việc tàu hải giám Trung Quốc tiến hành cái gọi là “hoạt động tuần tra” tại khu vực quần đảo Trường Sa là hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không phù hợp với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình ở biển Đông, không có lợi cho hòa bình, ổn định ở khu vực.
Chúng tôi kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động sai trái nói trên, tuân thủ DOC, không có các hành động làm phức tạp tình hình ở biển Đông.
TTXVN
Ngoại giao gây căng thẳng, kinh tế vụ lợi
Nhà phân tích Ấn Độ Binay Srivastava, trên báo Daily News & Analysis, nhận định chính sách ngoại giao - kinh tế đối ngoại của Trung Quốc đang đổ vỡ.
Ông dẫn chứng về ngoại giao, Trung Quốc liên tục gây căng thẳng trên biển Đông bằng cách gây hấn với Việt Nam và Philippines, xuyên tạc Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS), vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC). Đồng thời Trung Quốc còn quấy rối tàu Mỹ trên biển Đông, xung đột với Nhật về chủ quyền quần đảo Senkaku, hục hặc với Ấn Độ về vấn đề biên giới.
Về kinh tế đối ngoại, Trung Quốc liên tục bị mất uy tín. Bằng chứng là Iran vừa hủy hợp đồng 2 tỉ USD để một doanh nghiệp Trung Quốc xây đập thủy điện tại tỉnh Lorestan. Trước đó, Myanmar hủy bỏ dự án xây đập thủy điện Myitsone 3,6 tỉ USD do Trung Quốc đầu tư bởi 90% lượng điện khai thác sẽ được chuyển về Trung Quốc, trong khi môi trường tại Myanmar bị tàn phá nghiêm trọng.
Các nước Mỹ Latin và châu Phi cũng ê chề “ngấm đòn” với Trung Quốc. Bắc Kinh chỉ chăm chăm vơ vét nguồn tài nguyên tự nhiên như khoáng sản, dầu khí của các nước sở tại và không thực hiện cam kết chuyển giao công nghệ. Trong khi đó, hàng xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc lại tràn ngập, hủy diệt nền công nghiệp địa phương của các nước này. Khoảng 90% việc làm tại các dự án do Trung Quốc đầu tư ở châu Phi rơi vào tay lao động Trung Quốc. Người Nigeria đang phản đối việc Bắc Kinh khai thác tài nguyên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chính phủ Zambia tố cáo Bắc Kinh đang biến nước này thành bãi rác.
Nhà phân tích Binay Srivastava kết luận: chính sách ngoại giao hiếu chiến và chiến lược kinh tế đối ngoại vụ lợi đang hủy hoại uy tín và ảnh hưởng quốc tế mà Trung Quốc đã xây dựng trong 10 năm qua.

“Diện và điểm" trên biển Đông



TTCT - Đầu tháng 4 năm nay, Trung Quốc làm rầm rộ ở khu vực dải đá ngầm Scarborough tại Philippines. Ba tháng sau, nội vụ đã bớt ầm ĩ, song tàu bè Trung Quốc vẫn lúc nhúc ở đó.
Đùng một cái, Trung Quốc giở quẻ gọi thầu khai thác dầu khí trong thềm lục địa của Việt Nam. Đâu là “diện”, đâu là “điểm” trên biển Đông nay đã rõ.
Hai chiếc tàu hải giám của Trung Quốc hoạt động tại khu vực dải đá ngầm Scarborough hồi tháng 4 - Ảnh: Reuters
Trong chiến tranh Việt Nam, nghi binh là một đòn trí mạng. Tháng 3-1975, cả quân đoàn II lẫn Bộ tổng tham mưu và Phủ tổng thống đều không rõ đối phương sẽ tấn công vào đâu, vào Buôn Ma Thuột hay Pleiku - Kon Tum. Cuối cùng, cho rằng Buôn Ma Thuột chỉ là “diện” (trá hình bề nổi), còn Kon Tum mới là “điểm” (trọng điểm tấn công), Pleiku - Kon Tum đã được tăng cường, để trống Buôn Ma Thuột. Đến khi Buôn Ma Thuột bị vây tứ phía, mới vỡ lẽ đây mới chính là “điểm” thì đã muộn!
Cục diện biển Đông từ đầu tháng 4 đã diễn ra cũng theo kiểu nghi binh, đánh bài “ba lá”: tay trái cầm lá bài “tranh chấp đánh cá” giương ra rõ to trên dải Scarborough kèm theo lá bài “lệnh cấm đánh cá”, tay phải giấu kín lá bài “dầu khí”.
“Diện": tranh chấp đánh cá ở dải Scarborough
Có một điều mà Trung Quốc tối kỵ là đưa nội vụ ra trước tòa án quốc tế. Cho dù Trung Quốc sẽ không ra, song cũng đủ để “làm Trung Quốc mất mặt vì làm lơ hệ thống pháp lý quốc tế và bác bỏ việc giải quyết tranh chấp qua các phương tiện pháp lý” như lý giải của Dịch Bình, giảng viên Học viện Pháp luật thuộc Trường ĐH Bắc Kinh.
Tất cả bắt đầu hôm chủ nhật 8-4 khi hải quân Philippines phát hiện “quả tang” tám tàu đánh cá Trung Quốc đang đánh cá ở dải Scarborough với đầy đủ tang vật. Đây là vùng đánh cá truyền thống của ngư dân Philippines, trong khu vực đặc quyền kinh tế Philippines và gần đất liền Philippines hơn nhiều so với đảo Hải Nam.
Tuần dương hạm BRP Gregorio del Pilar của hải quân Philippines đang làm thủ tục bắt giữ các ngư dân Trung Quốc thì bị hai tàu ngư giám Trung Quốc tiến đến ngăn cản. Sang đến thứ tư 11-4, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila “trái khoáy” ngoại giao ra một thông cáo “yêu cầu phía Philippines chấm dứt ngay các hoạt động phi pháp của mình và rời khỏi khu vực này”.
Lẽ ra nếu muốn “khiếu nại” hay “dạy bảo” gì với “phía Philippines”, phải là cấp bộ (Bộ Ngoại giao) triệu vời đại sứ Philippines đến..., đằng này cấp sứ quán ra thông cáo “lệnh” cho “phía Phi”. Nội vụ càng ầm ĩ hơn khi cả bầy tàu Trung Quốc vây chặt chiến hạm Philippines BRP Gregorio del Pilar. Chỉ cần một cái đầu nóng, chiến sự sẽ bùng nổ! Cuối cùng, phía Philippines phải rút đi chiếc tàu chiến đang bị vây bởi cả chục chiếc tàu cá và hải giám Trung Quốc.
Sau đó, phía Philippines mới đưa tàu kiểm ngư và tàu phòng duyên tới. Lẽ ra trong một vụ tranh chấp đánh cá, liên quan đến tàu cá và dân sự, sử dụng tàu kiểm ngư là đủ rồi, đối đế lắm gọi thêm tàu cảnh sát biển để tránh cho nội vụ có “ít xít ra nhiều” biến thành xung đột quân sự!
Bên cạnh vụ tàu cá Trung Quốc ở dải Scarborough, còn ầm ĩ vụ Trung Quốc một lần nữa ban hành lệnh cấm đánh cá trên biển Đông. Nội vụ lình xình cho đến nay, lúc thì nói rút tàu ra, lúc thì nói chưa rút, không rút... inh ỏi che khuất một diễn biến khác quan trọng hơn bội phần!
“Điểm": thôn tính dầu khí biển Đông
Chỉ hai ngày sau khi vụ Scarborough bùng nổ hôm chủ nhật 8-4, sang đến thứ ba 10-4 Bắc Kinh mở một mũi tấn công khác. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân, khi được hỏi về việc các công ty dầu khí Nga và Việt Nam vừa ký kết một hợp đồng dầu khí, đã nhắn gửi: “Các nước không liên quan đến tranh chấp nên tránh ra xa. Chúng tôi hi vọng rằng các bên liên quan nên tránh lôi kéo các nước bên ngoài khu vực can dự vào cuộc tranh chấp”.
Trước đó một tuần, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du khi trả lời câu hỏi liên quan tới kế hoạch của ONGC Videsh trong việc thăm dò hai lô dầu khí ngoài khơi mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, cũng đã răn đe: “Chúng tôi hi vọng nước ngoài sẽ không liên can tới tranh chấp. Với những quốc gia ngoài khu vực, chúng tôi hi vọng họ sẽ tôn trọng và ủng hộ các nước trong khu vực giải quyết tranh chấp thông qua các kênh song phương”.
Muốn hay không muốn, các nước bị “nhắn gửi” cũng phải có lúc suy đi nghĩ lại. Bốn mươi ngày sau khi bị “cảnh báo”, có ý kiến từ New Delhi lộ ý muốn tháo lui: “Ấn Độ dường như định rút khỏi một lô dầu hỏa trên biển Đông...
Các viên chức ở đây đã gửi đến phía Việt Nam các kế hoạch chấm dứt hoạt động khai thác căn cứ trên những cân nhắc thương mại. Các viên chức Ấn Độ nhấn mạnh rằng lô 128 có ít triển vọng sản xuất dầu khí, cũng giống trường hợp lô 127 kế bên, mà Tập đoàn OVL (của Ấn Độ) đã trả lại Việt Nam cách đây ba năm.
Cả hai lô này đều là một phần của cuộc xung đột lớn lao hơn. Lô 128 là tâm điểm của những “sôi sục” ngoại giao giữa Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ. Trong khi cuộc tranh cãi về việc Ấn Độ tiến hành khoan dầu trên biển Đông vẫn chưa dẫn đến một sự đối đầu bằng tàu bè, song Ấn Độ và Trung Quốc gần đây đã có tiếng bấc tiếng chì qua lại về việc này” (1).
Không chỉ Nga và Ấn Độ bị cảnh báo, một công ty thuộc một nước khác cũng bị nhắc nhở, thậm chí bằng con đường chính thức. Tác giả Sandeep Dikshit cho biết: “Một công ty khảo sát thăm dò tại khu vực này cho Tập đoàn OVL, trụ sở tại Hà Lan, đã bị sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Hà Lan triệu đến và bảo dừng hoạt động. Song được Việt Nam hậu thuẫn, OVL đã thuyết phục công ty này tiếp tục công việc thăm dò khảo sát”.
Trên bề mặt, lý do viện dẫn là các “cân nhắc thương mại” mà định rút lui vì e rằng không bõ công khai thác, song trong bề sâu là vì lý do gì có lẽ không khó đoán ra. Đây mới chính là mục tiêu tìm kiếm của Bắc Kinh khi liên tiếp đưa ra những dọa dẫm như vậy. Tất nhiên, những vụ “suy đi tính lại” này đã không gây ồn ào dư luận cho bằng vụ suýt - đả - lôi - đài ở dải Scarborough.
Sau chiêu cảnh cáo không “ngoại giao” cho lắm, Bắc Kinh đổi võ, tung ra chiêu gọi thầu chín lô trên biển Đông trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Mục tiêu mà Bắc Kinh tìm kiếm còn độc địa hơn chiêu cảnh cáo: khiến thiên hạ thêm xiêu lòng mà “bỏ con tép bắt con tôm”.
Một tờ báo Nga bình luận: “Việc Trung Quốc gọi thầu có nguy cơ làm leo thang căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Các nhà phân tích cho rằng vụ căng thẳng này còn có thể dẫn đến hậu quả là làm xấu đi quan hệ giữa Trung Quốc và Gazprom. Một khi Gazprom bị Trung Quốc ép bỏ dự án (với Việt Nam), một số nhà phân tích cho rằng rời bỏ Việt Nam sẽ là khôn ngoan hơn là mất những hợp đồng lắm tiền cung cấp khí đốt cho Trung Quốc” (2).
Những bước đi trên của Bắc Kinh phản ánh những tính toán kế hoạch từng bước, từng bước giở những chiêu gì. Nghi binh ầm ĩ vụ tranh chấp đánh cá ở Scarborough một mặt để che lấp những động tác thôn tính dầu khí trên biển Đông, một mặt qua đó khiến các nước phải e dè Trung Quốc giở vũ lực như đang sẵn sàng giở ra với Philippines... cho dù rằng trong thực tế Trung Quốc cũng ngại phần nào việc Philippines có chung với Mỹ một hiệp ước phòng thủ hỗ tương, không rõ chọc giận Mỹ, Mỹ sẽ có nổi đóa không.
***
Cho cả hai trường hợp “diện” và “điểm”, Trung Quốc đều tính toán rằng cứ lấn tới cùng, đố ai dám động binh! Có vẻ như Trung Quốc đang tự tin vào khả năng “lấy thịt đè người”. Thế nhưng, có một điều mà Trung Quốc tối kỵ là đưa nội vụ ra trước tòa án quốc tế. Cho dù Trung Quốc sẽ không ra, song cũng đủ để “làm Trung Quốc mất mặt vì làm lơ hệ thống pháp lý quốc tế và bác bỏ việc giải quyết tranh chấp qua các phương tiện pháp lý” như lý giải của Dịch Bình - giảng viên Học viện Pháp luật thuộc Trường ĐH Bắc Kinh (3).
DANH ĐỨC

Lời hứa thiêng liêng trước Tượng đài đội Hoàng Sa



TTO - Sáng 7-7, trong không khí thiêng liêng, Đảng ủy - Bộ tư lệnh Quân khu 5 đã tổ chức trao tặng và đặt lư hương tại tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc hải trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).
Lễ đặt lư hương tại tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản bắc hải trên đảo Lý Sơn - Ảnh: Văn Mịnh

Lời hứa thiêng liêng trước tượng đại đội Hoàng Sa
Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo Bộ tư lệnh Quân khu, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, đại diện các hội, đoàn thể, sở ban ngành của tỉnh, lực lượng vũ trang và đông đảo cán bộ nhân dân địa phương.
Thay mặt Đảng ủy Bộ tư lệnh quân khu 5, Thiếu tướng, Phó chính ủy Lê Văn Hoàng ghi nhận công lao và những đóng góp to lớn của thế hệ cha ông trong đội Dân binh Hoàng Sa năm xưa đã không quản khó khăn gian khổ cùng phong ba bão táp, vâng lệnh triều đình nhà Nguyễn dong thuyền căng buồm ra cắm mốc, đo đạc hải trình, khẳng định chủ quyền của ta trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 
Thiếu tướng Lê Văn Hoàng đồng thời thay mặt cho lực lượng vũ trang hứa quyết tâm ra sức phấn đấu, rèn luyện, nâng cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng trời vùng biển thiêng liêng của tổ quốc.
Sau buổi Lễ, đại diện lãnh đạo Bộ tư lệnh QK5, lãnh đạo tỉnh cùng lãnh đạo các sở ngành, lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương thắp hương tưởng niệm tại tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.
VĂN MỊNH

VN khẳng định với LHQ chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa



Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc vừa gửi công hàm đến Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, trong đó khẳng định chủ quyền không thể tách rời của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trước đó ngày 5/4/2011, phái đoàn thường trực Philippines tại Liên Hợp Quốc gửi công hàm đến Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon để bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Tới ngày 14/4/2011, Phái đoàn thường trực Trung Quốc cũng gửi công hàm đến Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc để nêu ý kiến về công hàm của phái đoàn Philippines.
Do hai công hàm nói trên đều đề cập đến vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, nên ngày 3/5/2011, phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã gửi công hàm số 77/HC-2011 đến Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, một lần nữa khẳng định, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam.
Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo đó.
(TTXVN)

Phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa



Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm nay phản đối việc tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, lập kế hoạch phát triển kinh tế và du lịch ở Hoàng Sa; và việc Đài Loan tập trận bắn đạn pháo tại Trường Sa.

Trước đó, ngày 3/3, chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, công bố cương yếu phát triển kinh tế xã hội 5 năm của tỉnh, trong đó có đề cập đến quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Bản cương yếu có đoạn nói Trung Quốc "sẽ tăng cường bảo vệ các vùng biển lân cận Hoàng Sa và Trường Sa, khai thác du lịch ở Hoàng Sa và xây dựng các cơ sở hậu cần nghề cá ở Hoàng Sa", phát ngôn viên Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga cho biết.
Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định việc làm của Trung Quốc là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo nói trên, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc duy trì hòa bình ổn định và không làm phức tạp thêm tình hình trên Biển Đông, trái với Tuyên bố về Quy tắc ứng xử trên biển Đông ký năm 2002 giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.
"Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay những phần nội dung vi phạm chủ quyền của Việt Nam trong cương yếu nói trên", phát ngôn viên Nguyễn Phương Nga nói.
Bia chủ quyền Việt Nam trên đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa. Ảnh: biengioilanhtho.gov
Bia chủ quyền Việt Nam trên đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa. Ảnh: biengioilanhtho.gov
Cũng liên quan đến quần đảo Trường Sa, bà Phương Nga cho biết mới đây Đài Loan đã tiến hành huấn luyện bắn đạn pháo tại đảo Ba Bình thuộc quần đảo này.
"Việc Đài Loan huấn luyện bắn đạn pháo xung quanh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình khu vực, đe dọa trực tiếp đến an ninh hàng hải, nhất là tàu thuyền qua lại và đánh bắt cá", đại diện ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.
"Việt Nam yêu cầu Đài Loan chấm dứt ngay và không để tái diễn các hành động tương tự".
Việt Nam khẳng định có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông.
"Những hành động gần đây của một số bên liên quan gây quan ngại trong khu vực", bà Nga nhận xét.
Bộ Ngoại giao Việt Nam mới đây cũng đã gặp đại diện sứ quán Trung Quốc để phản đối về việc hải quân Trung Quốc diễn tập chống cướp biển ở khu vực quần đảo Trường Sa hồi cuối tháng 2; phản đối Trung Quốc diễn tập quân sự tại Hoàng Sa hồi đầu tháng 2.
Vnexpress - Thanh Mai